Chương trình ” Hỗ trợ người nghèo” Cần Thơ
Chương trình ” Hỗ trợ người nghèo” Cần Thơ

Ngày nay, cuộc sống con người ngày càng được nâng cao theo sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong xã hội hiện đại, nói đến cuộc sống là phải được “Ăn ngon, mặc đẹp”; Song, thực tế vẫn còn không ít những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày chỉ ao ước có đủ cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, bữa no, bữa đói,….

Ngày nay, cuộc sống con người ngày càng được nâng cao theo sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong xã hội hiện đại, nói đến cuộc sống là phải được “Ăn ngon, mặc đẹp”; Song, thực tế vẫn còn không ít những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày chỉ ao ước có đủ cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, bữa no, bữa đói,….
Để góp phần chia sẻ một phần khó khăn đến các hộ nghèo, ngày 24 tháng 06 năm 2014, Công ty TNHH TM Tân Thành đã tổ chức chương trình “Hỗ trợ người nghèo”, chương trình đã trao tặng quà và tiền cho 08 hộ nghèo tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai thuộc Tp. Cần Thơ với tổng giá trị 50 triệu đồng.
Các hộ nghèo được tặng quà
1. Hộ anh Nguyễn Văn Nông, ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ. Gia đình có hai vợ chồng và 06 người con, nhà không có ruộng phải làm mướn tại kho gạo ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ, công việc không ổn định.
Anh Nông chia sẻ với chúng tôi: Gia đình có tui và thằng con trai lớn là lao động chính, mỗi ngày hai cha con kiếm được khoảng vài chục ngàn, bữa nay tui bệnh không đi làm là không có tiền.

2.Ngôi nhà nhỏ ấy là nơi che mưa, che nắng của 08 người trong gia đình anh Nông.

 Hộ anh Nguyễn Văn Tý, ấp 7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ. Gia đình có hai vợ chồng và hai con nhỏ. Sống bằng nghề làm thuê, xịt thuốc mướn

Khi đoàn chúng tôi hỏi thăm, anh Tý tâm sự: Cha mẹ hai bên đều nghèo nên khi anh và chị lấy nhau và ra riêng với hai bàn tay trắng, làm thuê để kiếm sống. Căn nhà hai anh chị và các con đang sống là do địa phương thương tình làm cho.

Ngôi nhà là tài sản lớn nhất của anh chị, nhưng chỉ với cơn mưa không lớn lắm mà nước đã tràn ướt cả ngôi nhà, mái nhà thì bị rách và mưa tạt vào cả nơi chúng tôi đang ngồi.

3. Hộ chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ấp 7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ. Nhà có hai vợ chồng và hai con nhỏ. Trước đây làm thuê kiếm sống: xịt thuốc, làm cỏ, cấy lúa,… giờ thì công việc không nhiều nên anh phải đi làm xa nhà với công việc hái xoài mướn để kiếm tiền gửi về cho chị lo cho hai con nhỏ và trang trải cuộc sống.

Khi được hỏi thăm về cuộc sống, chị có vẻ suy tư, chị tâm sự: Cuộc sống khó khăn quá, không đủ lo cho con cái nên anh mới phải “tha phương cầu thực” chứ bản thân chị cũng không muốn anh đi xa.
4. Hộ chị Phan Thị Ngọc Mai, ấp 7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ. Nhà có hai vợ chồng và 11 người con. Ba người con lớn đã có gia đình và ở xa, còn lại 10 người trong gia đình, nhưng chỉ có hai lao động chính là anh và chị. Hiện tại anh đang đi chăn vịt thuê ở Kiên Lương, Kiên Giang trong ba tháng nước.

Chị chia sẻ: Hồi đầu mùa mưa, nhà dột trước dột sau, nhà nước thương tình cho vay 4 triệu đồng để lợp lại mái nhà nhưng không biết khi nào mới có tiền để trả. Bây giờ được công ty hỗ trợ chị thấy rất vui mừng!

5. Hộ cụ Mai Thị Tư, ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ. Nhà có hai mẹ con, cụ năm nay đã ngoài 80 tuổi, mắt đã mờ, con trai cụ cũng ngoài 50 tuổi, bị tật hai chân, hàng ngày anh giăng lưới cắm câu để kiếm cá ăn qua ngày. Hai mẹ con sống nhờ lòng thương của mọi người.

6. Hộ cụ Nguyễn Văn Bưởi, ấp Bờ Bao, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ. Nhà có hai ông cháu, không có đất phải sống nhờ trên đất của người hàng xóm.

Khi được hỏi thăm, cụ chia sẻ: Nhà có hai ông cháu, đứa cháu gái năm nay 11 tuổi, vừa học hết lớp 5, tôi không còn sức lao động nên không thể lo cho cháu ăn học. Tôi thì ốm đau suốt không làm được gì hết, ông cháu sống nhờ lòng thương của bà con chòm xóm và nhà hảo tâm. Ngôi nhà này cũng được làm trên đất của người hàng xóm tốt bụng cho ở đậu.
7. Hộ chị Võ Thị Phượng, ấp Quy Lân 1, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ. Nhà có ba mẹ con sống bằng nghề làm mướn, con trai là lao động chính trong nhà, đang theo làm thuê cho máy cắt lúa.

8. Hộ chị Trần Thị Bích Tuyền, ấp trường Ninh A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ. Đây là gia đình có hoàn cảnh thương tâm nhất trong chuyến đi của đoàn chúng tôi, gia đình có hai vợ chồng và một con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn, anh bị câm điếc, còn chị thì bị tật một chân. Những cơn mưa đầu mùa đã lấy mất đi ngôi nhà của anh chị, bây giờ phải sống tạm ở nhà người quen. Hai anh chị có một bé trai 08 tuổi, đang tuổi ăn tuổi học nhưng cha mẹ không có khả năng cho bé đến trường.

Từng có thời thơ ấu cơ cực, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nên khi tiếp xúc với các hộ gia đình kể trên, tôi đã không khỏi chạnh lòng!

Trong 08 hộ gia đình mà đoàn chúng tôi ghé tặng quà., mỗi gia đình mỗi cảnh; người thì còn sức lao động nhưng chỉ làm thuê, ai thuê gì làm đó, bữa có việc bữa không, thu nhập thấp và không ổn định; người thì mất sức lao động, sống nhờ lòng thương của hàng xóm, chính quyền, các nhà hảo tâm; người thì tài sản duy nhất là ngôi nhà không đủ che mưa che nắng; và có người lại không có gì gọi là tài sản, kể cả ngôi nhà cũng là ở nhờ người tốt bụng.

Khi chúng tôi đến trao quà cho từng hộ gia đình, chúng tôi đã cảm nhận được sự vui mừng của họ qua ánh mắt, nụ cười. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều,  nhưng với họ thì đó cả là một niềm mơ ước. Niềm hạnh phúc của họ đã lan tỏa đến từng người trong đoàn chúng tôi, chính vì thế mà đoạn đường đến từng hộ để trao quà tuy có xa và khó đi, nhưng tất cả đều trở nên dễ dàng khi mà trong lòng chúng tôi, mỗi người đều cảm thấy mình đang làm một việc thật ý nghĩa!
Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc! Từ đây, chúng tôi đã hiểu và “cảm” được câu nói: “Hạnh phúc là cho đi!”

Cần thơ, ngày 28 tháng 06 năm 2014