CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” TỈNH SÓC TRĂNG – BẠC LIÊU – CẦN THƠ

CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” TỈNH SÓC TRĂNG – BẠC LIÊU – CẦN THƠ

 

Chương trình Tân Thành tiếp sức hộ nghèo đã đi đến vùng quê nghèo trên khắp các tỉnh ĐBSCL, ngày hôm nay chúng tôi đã đi đến vùng quê Sóc Trăng nơi mà phần lớn đồng bào dân tộc khmer sinh sống, một phần tỉnh Bạc Liêu và tp. Cần Thơ.
1. Đoàn chúng tôi khởi hành đến ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng 
Trong ngôi nhà nhỏ mái lá đơn sơ ở cuối xóm, hai vợ chồng anh Trà Mượl 38 tuổi sinh sống cùng với 2 đứa con nhỏ. Cuộc sống nghèo khó: nhà không có đất, vợ bị bệnh tim sức khỏe yếu hàng ngày đi lượm ốc cho vịt ăn, các khoản chi tiêu đều do một mình anh gánh vác với những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ công việc phụ hồ, phun thuốc mướn. Thấy hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên đứa con lớn mới 14 tuổi nghỉ học đi làm mướn để phụ giúp gia đình.
2.Từ huyện Trần Đề chúng tôi di chuyển một đoạn đường nông thôn khá dài đến ấp Bưng Thum, xã Long Phú, huyện Long Phú.
Lập gia đình sớm, hai vợ chồng anh Quách Thanh Hiền năm nay 24 tuổi đã có 4 đứa con, đứa con lớn 4 tuổi và đứa con út mới được 8 tháng tuổi, hoàn cảnh nghèo khó, lấy nhau với hai bàn tay trắng nên hai vợ chồng đành sống nhờ nhà của ba mẹ. Vì cuộc sống và tương lai của vợ con, hàng ngày anh phải đi làm mướn kiếm tiền mua gạo để nuôi sống cả gia đình. Cuộc sống vất vả, công việc mần mướn bữa có bữa không nên có lúc gia đình rơi vào cảnh đói phải  mượn gạo của hàng xóm để sống qua ngày.

Ở nhờ nhà mẹ nhưng ngôi nhà ấy cũng không còn đủ che mưa che nắng

3. Chồng mất sớm bà Thạch Thị Út 72 tuổi sống với đứa con gái và ba đứa cháu ngoại tại ấp Tắt Bướm, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Vì hoàn cảnh nghèo hai vợ chồng phải đi làm mướn xa, bỏ lại bà với ba đứa cháu ngoại sinh sống trong căn nhà tình thương được xây dựng khá lâu. Nhà không có đất, sức khỏe của bà yếu ớt nên các khoảng chi tiêu hàng ngày là nhờ vào đồng tiền ít ỏi của con gái gửi về. Cuộc sống nghèo khó nhưng bà vẫn cố gắng cho ba đứa cháu đến trường với hy vọng các cháu có một tương lai tươi sáng hơn.

4. Hoàn cảnh đặc biệt đáng thương của gia đình anh Châu Chươl 42 tuổi ở ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
Nghe bà con hàng xóm kể lại hồi còn trẻ anh Chươl là một người hiền lành chất phát, siêng năng làm việc. Cuộc sống gia đình khó khăn, anh đi vác lúa mướn kiếm tiền nuôi mẹ già. Lập gia đình được vài năm hai vợ chồng anh sinh được một bé trai, cứ tưởng gia đình sẽ hạnh phúc thì nỗi đau lại đến với anh khi đứa con trai bị thần kinh, vợ anh bỏ nhà đi cách đây hơn 10 năm để lại một mình anh nuôi con, con trai của anh năm nay đã 18 tuổi nhưng em không tự lo được cho bản thân. Rơi vào hoàn cảnh gà trống nuôi con, anh còn phụng dưỡng người mẹ già 78 tuổi. Cuộc đời một lần nữa lại trớ trêu đối với anh khi anh mắc phải bệnh tim, thận, chân bị sưng to hiện tại anh không làm gì được, cuộc sống hàng ngày lại nhờ vào tiền lặt bông hẹ của bà cụ và sự giúp đỡ của hàng xóm xung quanh.

                    

5. Cách không xa lắm cũng trên địa bàn ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng
Một hình ảnh đáng thương lại hiện ra trước mắt chúng tôi là cụ già Danh Đực 72 tuổi thân hình nhỏ ốm yếu vì bệnh, chân yếu không đi được cách đây đã 6 tháng. Cụ phải nằm trong một căn liều nhỏ vách cao su chỉ chứa đủ một cái giường, cứ mỗi tối trời trở lạnh thì cái đau nhứt lại hiện về hành hạ. Cụ không có gia đình, lúc trước còn khỏe làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, giờ già lại bệnh nằm một chỗ phải nhờ người anh trai ở kế bên, nhưng hoàn cảnh gia đình người anh cũng rất khó khăn. Anh của Cụ Danh Đực cũng đã già, sống nhờ tiền làm thuê của người con gái, giờ phải lo thêm cho Cụ thì cuộc sống vốn đã khó khăn giờ càng khó khăn hơn.
6. Sau một ngày di chuyển đường xa với không khí se lạnh cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà ông bà Nguyễn Văn Út Lớn tại khóm Vĩnh Sử, phường 3, Tx. Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Hình ảnh đầu tiên không khỏi xót xa đó là một người chú bị gãy chân phải ngồi xe lăn do trong một lần bị cây ngả đè vào năm 2011 và một cháu gái 13 tuổi bị khuyết tật. Lúc trước chú Lớn sống bằng nghề giăng lưới, từ khi gãy chân chú không làm được gì, đi lại lên xuống khó khăn, mọi công việc đều đổ dồn lên người vợ, ngoài việc chăm sóc đứa cháu ngoại bị khuyến tật vợ chú hàng ngày phải đi dặm lúa mướn, giăng lưới để kiếm sống qua ngày. Chú có một người con gái, nhưng do cuộc sống nghèo khó nên chị phải tha phương cầu thực, bỏ lại đứa con bị tật nằm một chỗ. Cuộc sống của gia đình chú lúc này nhờ vào lòng thương của chòm xóm, của các nhà hảo tâm.
7. Những tưởng đông con thì gia đình sum vầy vui vẻ, nhưng mọi chuyện lại ngược lại đối với gia đình Ông Nguyễn Văn Yên 75 tuổi ở khóm Vĩnh Sử, Phường 3, Tx. Ngã Năm. 
Nghe kể lại thì gia đình của ông có tới 8 người con đều đã lập gia đình, vì hoàn cảnh nên mỗi đứa mỗi nơi bỏ lại hai ông bà sống với nhau trong căn lều nhỏ. Sức khỏe ông thì yếu nên không phụ giúp được gì, mọi chi tiêu trong nhà đều do vợ ông đi dặm lúa mướn để mua gạo sống qua ngày. Cụ cũng đã già, ít người thuê nên cuộc sống chật vật.

8. Di chuyển một đoạn đường dài từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu. Chúng tôi ghé qua nhà ông Trần Văn Năm 67 tuổi và bà Đoàn Kim Thiện 63 tuổi ở ấp 16A, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Hai vợ chồng có 2 đứa con đều đã lập gia đình. Vì hoàn cảnh nghèo nên lập gia đình xong hai đứa con đều lên Bình Dương làm mướn, công việc mần mướn khó khăn nên không có tiền gửi về phụng dưỡng cha mẹ. Hai ông bà sống nhờ miếng líp vườn gần nhà trồng đậu, hai hoặc ba ngày thì thu hoạch bán được 20.000 đồng đủ để mua gạo ăn qua ngày.

9. Cũng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chúng tôi ghé qua nhà của ông bà Nguyễn Văn Khảnh năm nay 60 tuổi ở ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. 
Ông Khảnh có hai người con, con trai thì đi chăn vịt cho người ta lâu lâu mới về thăm nhà, con gái đã có chồng ra ở riêng. Hai ông bà đều bị thần kinh nhẹ nên làm mướn cho người ta cũng không được mấy lần. Hàng ngày ông đi giăng lưới kiếm cá để ăn, nhiều thì đem bán một ít kiếm tiền mua gạo. Cuộc sống rất khó khăn, lúc không kiếm được cá, ông phải qua chòm xóm xin ít gạo để sống qua ngày.
10. Đoàn chúng tôi tiếp tục đến ấp Bắc Hưng, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Đến và trò chuyện với gia đình anh Nguyễn Văn Cường 45 tuổi. Anh Cường bị bệnh bứu đường tiết niệu, do hoàn cảnh nghèo không có tiền nên sau 7 năm mới được mổ nhờ chương trình mổ từ thiện, hiện tại sức khỏe anh rất yếu. Chuyện không may lại đến với gia đình khi đứa con trai duy nhất của anh năm nay 14 tuổi vừa mới phát hiện bệnh xương thủy tinh nằm một chỗ không đi lại được. Lúc trước còn khỏe, anh đi phụ hồ, giờ bệnh không làm được gì. Nhà không có ruộng đất nên để lo thuốc cho anh và con chị phải thay anh đi phụ hồ.
Gặp chúng tôi, chị ngậm ngùi tâm sự: Anh bị bệnh đã lâu nhưng không có tiền chữa trị nên bệnh ngày càng nặng, may nhờ có chương trình từ thiện hỗ trợ mổ cho anh. Niềm vui đến với gia đình chưa bao lâu thì phát hiện đứa con trai bị bệnh xương thủy tinh. Gia đình nghèo ngày lo ba bữa ăn còn chưa đủ, giờ phải lo thêm tiền thuốc cho anh và con, chị cảm thấy rất bế tắt không biết trông chờ vào đâu? Giờ được công ty Tân Thành hỗ trợ chị rất mừng.
11. Trên đường về lại công ty đoàn chúng tôi ghé thăm hộ cụ Nguyễn Thị Hận 86 tuổi tại ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ.

Cụ có tới 8 người con nhưng tất cả đều nghèo và ở xa. Hiện tại cụ sống cùng người con trai út (anh năm nay ngoài 40) và đứa cháu nội (đang học lớp 11), nhà không có ruộng đất nên người con của cụ phải làm thuê làm mướn kiếm tiền lo thuốc cho cụ, lo từng bữa ăn cho gia đình và lo cho con đến trường. Cũng chính cuộc sống quá vất vả nên người vợ của anh đã bỏ nhà đi cách nay hơn 15 năm.
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, cụ rưng rưng kể: Khổ lắm cô ơi, tui giờ già rồi lại ốm đau liên miên, gia đình khó khăn nên nhiều lần cha nó muốn cho nó nghỉ học để phụ tiếp nhưng thấy thương cháu học cũng giỏi nên cố gắng để nó đến trường.

12. Hộ cuối cùng trong chuyến đi mà đoàn chúng tôi ghé đó là hộ bà Nguyễn Thị Nhiều 65 tuổi ngụ ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ.

Lúc trước bà sống với vợ chồng người con gái, cuộc sống ngày càng khó khăn khi người con rể bỏ xứ đi, sau đó người con gái cũng bỏ đi đến giờ không ai biết. Hiện tại, bà sống với 2 đứa cháu ngoại, gia đình nghèo nên đứa cháu gái lớn năm nay 15 tuổi, phải nghỉ học để phụ giúp bà và lo cho em trai đi học. Bà giờ đã già nên không làm thuê làm mướn được nữa, mọi gánh nặng đặt trên vai em. Hàng ngày trong xóm ai có việc thì thuê em làm nấy: dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ, giặt giũ,… kiếm được chút ít lo cho cuộc sống của 3 bà cháu.

Sóc Trăng, ngày 06 tháng 01 năm 2015