Dự thảo Thông tư quản lí thuốc BVTV: Cần bàn gì thêm?
Dự thảo Thông tư quản lí thuốc BVTV: Cần bàn gì thêm?

Cục BVTV đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư về Quản lí thuốc BVTV”. Mặc dù dự thảo thông tư đã được lấy ý kiến và sửa đổi 3 lần trước (hiện đang là lần thứ 4), tuy nhiên, nhiều nội dung dự thảo thông tư này vẫn còn nhiều băn khoăn.

Dự thảo Thông tư quản lí thuốc BVTV: Cần bàn gì thêm?
Cục BVTV đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư về Quản lí thuốc BVTV”. Mặc dù dự thảo thông tư đã được lấy ý kiến và sửa đổi 3 lần trước (hiện đang là lần thứ 4), tuy nhiên, nhiều nội dung dự thảo thông tư này vẫn còn nhiều băn khoăn.
Vẫn còn nhiều nội dung của Dự thảo về quản lí thuốc BVTV cần phải xem xét kỹ
Xin nếu một số góp ý như sau:
– Tại điểm b, Khoản 5 của Điều 5 quy định các nguyên tắc chung về đăng ký thuốc BVTV, trong đó dự thảo quy định: Tổ chức, cá nhân chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV.
Về nội dung này, xin có ý kiến như sau:
Phản ứng đối với các hóa chất trừ dịch hại của từng cây trồng không chỉ xẩy ra ở các cây trồng khác nhau, mà mỗi loại cây trồng cũng có mức độ phản ứng khác nhau tùy theo giai đoạn sinh trưởng.
Chẳng hạn, cùng một hàm lượng hoạt chất, sử dụng cho cây ở giai đoạn non có thể bị ảnh hưởng xấu, nhưng ở giai đoạn trưởng thành vẫn phát triển bình thường. Điều này cũng tương tự như việc sử dụng thuốc kháng sinh đối với con người.
Cùng một mức độ bệnh và một loại thuốc, nhưng sử dụng cho trẻ em chỉ cần 500 đơn vị, trong khi người lớn có thể phải cần tới 1.000 đơn vị mới có hiệu quả. Tương tự, cùng một loại bệnh, một loại thuốc, nhưng bệnh nhẹ chỉ cần dùng hàm lượng thấp, trong khi bệnh nặng ắt phải dùng hàm lượng cao.
Thuốc BVTV dùng trị bệnh cho cây trồng cũng tương tự như vậy. Vì vậy, việc quy định chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV như nội dung dự thảo sẽ là điều rất bất hợp lí, gây khó khăn cho chính công tác phòng chống dịch hại.
Các nhà SX thuốc BVTV khi tìm ra một hàm lượng thích hợp phải dày công thí nghiệm lẫn khảo sát đồng ruộng cho từng loại cây trồng phù hợp với từng điều kiện khác nhau. Chắc hẳn họ chẳng dễ dàng chi hàng trăm triệu đồng chỉ để cho vào danh mục các sản phẩm của mình dài thêm lên một cách đơn thuần.
– Tại Khoản 3, Điều 6 quy định các loại thuốc BVTV không được phép đăng ký ở Việt Nam, mặc dù dự thảo Lần 4 này đã bỏ bớt một số quy định, tuy nhiên vẫn đang giữ lại các điểm b; c; đ. Cụ thể:
+ Tại điểm b, Khoản 3, Điều 6 quy định: Không được phép đăng ký đối với thuốc BVTV là hỗn hợp của các loại thuốc BVTV có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hòa sinh trưởng), trừ thuốc xử lí hạt giống.
Về điều này, thông thường mỗi loại dịch hại cây trồng phát sinh, phát triển gây hại phụ thuộc vào một điều kiện tự nhiên nhất định. Tuy nhiên, có những lúc sẽ xẩy ra điều kiện nào đó vừa phù hợp cho đối tượng gây hại này phát triển, vừa phù hợp cho đối tượng khác bùng phát.
Trong những hoàn cảnh đó, nhất thiết sẽ buộc phải tiến hành đồng thời phun trừ một lúc nhiều đối tượng gây hại. Trước đòi hỏi này, các nhà SX thuốc BVTV đã nghiên cứu và tạo ra những hỗn hợp thuốc để cùng một lúc có thể trừ được đồng thời nhiều đối tượng dịch hại.
Hiện nay, ngay cả rất nhiều nước phát triển trên thế giới vẫn đang cho phép sử dụng các loại là thuốc hỗn hợp của loại thuốc có công dụng khác nhau, ví dụ: Canada hiện vẫn cho phép hỗn hợp thuốc gồm Captan + Diazinon + Thiophanate-methyl; Carbatthiin + Imidacloprid + Thiram…. Tại Cty Syngenta hiện vẫn đang SX thuốc hỗn hợp như Sedaxane + Difenoconazole + Mefenoxam + Thiamethoxam… (các thuốc gạch chân là thuốc trừ bệnh).
Từ thực tế của các nước phát triển cho thấy, không chỉ có thuốc là hỗn hợp của 2 hoạt chất, thậm chí còn có hỗn hợp 3-5 hoạt chất. Chúng được tạo ra bởi các tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới như Bayer; Syngenta; BASF; Dupont; Dow…, và vẫn đang được các nước tiên tiến cho phép sử dụng.
Điều này cho thấy, việc quy định không được phép đăng ký đối với thuốc BVTV là hỗn hợp của các loại thuốc BVTV có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hòa sinh trưởng) là cần phải xem xét thêm.
+ Tương tự, tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6 của dự thảo quy định: Không được phép đăng ký đối với thuốc BVTV là hỗn hợp của các hoạt chất hóa học với sinh học. Xin nêu một số quan điểm về nội dung này như sau:
Một nhược điểm của các loại thuốc sinh học hiện nay mà ai cũng biết (nhất là đối với các loại dịch hại là vi khuẩn, virus, micoplasma, nấm…) đó là tác động lên đối tượng dịch hại chậm hơn các hoạt chất hóa học.
Vì thế trong nhiều trường hợp, người ta buộc phải bổ sung thêm các hoạt chất hóa học với một hàm lượng nhất định nào đó nhằm nhanh chóng làm suy yếu đối tượng dịch hại, giúp chế phẩm sinh học dễ dàng phát huy tác dụng nhanh hơn.
Biện pháp hỗn hợp này cũng giúp làm thay đổi phương thức tác động đến dịch hại của thuốc, làm hạn chế tính kháng thuốc hóa học của dịch hại. Trong chương trình IPM hiện nay, người ta cũng đang khuyến cáo sử dụng hỗn hợp thuốc theo hình thức này để phòng trừ dịch hại.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới vẫn đang cho phép sử dụng hỗn hợp thuốc BVTV sinh học và hóa học. Chẳng hạn ở Anh, nông dân được khuyến cáo sử dụng hỗn hợp L.muscarium (Mycota) với Teflubenzuron để phòng trừ bướm trắng Trialeurodes vaporariorum.
Ở Ấn Độ, người ta vẫn cho phép sử dụng nhiều hỗn hợp với nhau để diệt côn trùng và sâu hại, ví dụ như hỗn hợp NPV + Fenvalerate (0,005%); NPV + Monocrotophos (0,035%); NPV + B.t.and HNPV + NSKE (Neem Seed Kernel Extract) 2,5%…
Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, tại Dự thảo lần 4 này cũng có thêm những nội dung về thủ tục đăng ký thuốc BVTV cần phải xem xét lại như:
+ Tại Phụ lục 3 về Tài liệu kỹ thuật thuốc BVTV có Khoản 6 quy định: Độc tính của thuốc thảnh phẩm do phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO thực hiện, có báo cáo thử nghiệm kèm theo.
Về quy định này, xin có ý kiến như sau: Chúng ta chính thức bắt đầu thiết lập cơ chế quản lí thuốc trừ dịch hại kể từ khi có Pháp lệnh BVTV, sau đó là Điều lệ Quản lí thuốc BVTV và ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép, hạn chế và cấm sử dụng tại Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, trong khoảng hơn 20 năm, cơ chế đó thường xây dựng trên cơ sở những khuyến cáo của FAO, WHO… là những cơ quan của UN chịu trách nhiệm quản lí những hóa chất nói chung và hóa chất độc hại nói riêng.
Việc tuân thủ những khuyến cáo của các tổ chức này là phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay, vì chúng ta cũng là thành viên của những tổ chức này và là thành viên của Công ước Stockkholm, Công ước Basel, Công ước Rotterdam. Vì vậy, Dự thảo lần 4 này yêu cầu hồ sơ đăng ký thuốc thành phẩm phải có báo cáo của các cơ sở nghiên cứu đạt chuẩn GLP, ISO là một quy định hơi khác thường.

Theo TRẦN THÁI HÒA (Nguyên Phó trưởng phòng Quản lí thuốc BVTV – Cục BVTV)
Nguồn: www.nongnghiep.vn