Lúa vụ 3 ở ĐBSCL: Đề xuất chuyển dịch vụ lúa thu đông
Lúa vụ 3 ở ĐBSCL: Đề xuất chuyển dịch vụ lúa thu đông

Ưu tiên sử dụng phương pháp cấy với tuổi mạ dưới 20 ngày. Gieo mạ khoảng giữa tháng 8, cấy vào đầu tháng 9, thu hoạch đầu tháng 12 và cây lúa mùa cũng chỉ sinh trưởng trong vòng 4 tháng.

LÚA VỤ 3 Ở ĐBSCL: ĐỀ XUẤT CHUYỂN DỊCH VỤ LÚA THU ĐÔNG

Ưu tiên sử dụng phương pháp cấy với tuổi mạ dưới 20 ngày. Gieo mạ khoảng giữa tháng 8, cấy vào đầu tháng 9, thu hoạch đầu tháng 12 và cây lúa mùa cũng chỉ sinh trưởng trong vòng 4 tháng.


Sản xuất lúa thâm canh tăng vụ ở ĐBSCL 

Về vụ lúa TĐ trong cơ cấu 2 vụ lúa và trong cơ cấu lúa – tôm ở vùng ven biển Nam bộ và bán đảo Cà Mau thì ưu tiên khôi phục lại các giống lúa mùa truyền thống có chất lượng gạo, cơm thật cao để gia tăng giá trị.
Ông bà ta ngày xưa trồng lúa mùa từ đầu mùa mưa, thời gian sinh trưởng kéo dài 7-8 tháng vì cây lúa phải chờ ngày ngắn để trổ hoa nên nguy cơ bị dịch lại tấn công là cao.
Bây giờ cây lúa mùa có thể điều chỉnh thời vụ phù hợp, thời gian sinh trưởng dinh dưỡng vừa đủ nhưng vẫn hưởng được quang kỳ ngày ngắn để trổ hoa.
Ưu tiên sử dụng phương pháp cấy với tuổi mạ dưới 20 ngày. Gieo mạ khoảng giữa tháng 8, cấy vào đầu tháng 9, thu hoạch đầu tháng 12 và cây lúa mùa cũng chỉ sinh trưởng trong vòng 4 tháng.

Giai đoạn trỗ chín vào cuối mùa mưa, ít bão nên ít đổ ngã, thu hoạch đầu mùa nắng, chất lượng tốt, bán trước Tết Nguyên Đán nên giá thường cao. Lúa này có thể phơi khô, tồn trữ yếm khí và cung cấp gạo đặc sản cho thị trường cao cấp quanh năm.

Đê bao khép kín

Vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên cần thiết lập vùng đê bao chống lũ triệt để. Cần điều tra qui hoạch kỹ để xây dựng các khu đê bao khép kín đảm bảo vững chắc.

Ưu tiên trồng những băng cây bản địa như cây tràm để bảo vệ đê. Đê bao khép kín nhưng không tách rời với con sông mẹ Mê Kông.
Kinh nghiệm tại huyện Thoại Sơn cho thấy vẫn có thể xả lũ trong khu đê bao khép kín. Toàn huyện có 41.490 ha đất nông nghiệp trong tổng số 46.885 ha đất tự nhiên, với 123 tiểu vùng đê bao khép kín, có 1.008 km đê, 357 cống tròn đường kính 1 m và 228 cống hở với khẩu độ từ 2,5-3 m.
Trong số này có 100 tiểu vùng sản xuất 3 vụ, 6 tiểu vùng trồng 2 vụ và 17 tiểu vùng lúa-tôm. Mỗi tiểu vùng diện tích trung bình khoảng 340 ha. Hơn nữa, huyện Thoại Sơn còn có 455 trạm bơm điện và 53 trạm bơm dầu với tổng công suất 496.360 m3/giờ.
Các trạm bơm này chủ yếu sử dụng cho thoát thủy. Việc dẫn thủy do từng nông dân đảm nhiệm cho từng mảnh ruộng của mình. Vụ ĐX bắt đầu vào tháng 12 và thu hoạch vào cuối tháng 2. Đất được cày phơi ải trong vòng 3 tuần và vụ HT bắt đầu vào cuối tháng 4, thu hoạch vào cuối tháng 7.
Gốc rạ được xới trục nhận chôn vùi vào đất trong khoảng 3 tuần. Vụ TĐ bắt đầu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 và thu hoạch cuối tháng 11.
Sau khi thu hoạch lúa TĐ, mặc dù không phải đỉnh lũ nhưng nước dưới sông vẫn còn cao và vào những con nước rong (ngày rằm và 30 âm lịch) vẫn còn có thể xả lũ mang phù sa và chất dinh dưỡng vào đồng ruộng trong vòng 3 tuần trước khi bắt đầu chu kỳ mới bằng vụ ĐX.
Hiện nay huyện Thoại Sơn có chủ trương bỏ một vụ TĐ của tổng số 9 vụ trong 3 năm để lấy phù sa. Mặc dù không đạt 100% nhưng một số tiểu vùng vẫn áp dụng nhất là những năm có giá lúa giảm.

Huyện dự kiến cải tiến, qui hoạch lại, giảm còn 71 tiểu vùng để tập trung nguồn lực, gia cố các đê bao trọng yếu, đảm bảo không vỡ đê vào đỉnh lũ hàng năm. Nhìn chung, từ kinh nghiệm thực tiễn của huyện Thoại Sơn cho thấy đê bao khép kín nhưng vẫn xả lũ được.

Đảm bảo cơ cấu mùa vụ

Ở vùng đất phù sa ngọt quanh năm, sa cấu hạt thô, đất nhẹ, độ thấm rút nhanh, bên bờ sông Tiền sông Hậu nên được ưu tiên đầu tư đê bao khép kín.

Diện tích canh tác vùng đất này khoảng 300.000 ha mà trong số này hiện được trồng chủ yếu là 3 vụ lúa với cơ cấu lúa ĐX – XH –  TĐ.
Đây là vụ TĐ ăn chắc. Ăn chắc ở đây là lũ không tràn đê bao lửng lúc nước bắt đầu lên và lúa TĐ (thật ra là vụ lúa HT muộn) thu hoạch trước khi đỉnh lũ về. Nông dân vùng này trồng lúa XH, sạ ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX vào tháng 2-3. Thu hoạch lúa XH vào cuối tháng 6 và gieo sạ ngay vụ lúa TĐ để thu hoạch vào cuối tháng 9 – tháng có lượng mưa cao nhất trong năm, phơi sấy rất khó khăn.
Nước lũ về cho tràn đê bao lửng, cho xả lũ hoàn toàn trong vòng một tháng và bắt đầu gieo cấy lúa ĐX trong tháng 11-12.
Vùng này nên hình thành các tiểu vùng đê bao khép kín hoàn chỉnh hoàn toàn chủ động tưới tiêu quanh năm. Nên bỏ hẳn vụ lúa XH để trồng cây màu trên diện đại trà. Cơ cấu chính của vùng này là: lúa ĐX – màu XH – lúa TĐ chính vụ (gieo cấy tháng 8-9 và thu hoạch trong tháng 11-12).
Cây màu vụ XH sẽ hoàn toàn cơ giới hóa đồng bộ, gieo hạt bón phân bằng máy trên nền đất khô đầu mùa nắng và thu hoạch vào những ngày nắng ráo trong đầu mùa mưa vào tháng 5.
Khi hệ thống màu XH đã hình thành và phổ biến, hy sinh vài trăm ngàn ha lúa ĐX ở đây để mở rộng thêm diện tích cơ giới hóa cây màu mùa nắng. Hình thành thêm cơ cấu mới là: màu ĐX – màu XH – lúa TĐ.
Biến đổi khí hậu gây ra mưa nhiều trong mùa mưa, nước biển dâng sẽ làm cho mực nước sông dâng cao.
Đê bao khép kín sẽ đóng các cửa cống để không cho mực nước cao trên sông rạch tràn vào đồng, sử dụng bơm để thoát nước mưa ra, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường trong vùng đê bao khép kín.
Các biện pháp giảm tác hại của các đập thủy điện trên thượng nguồn đang và sẽ được bàn thảo trong Ủy hội quốc tế sông Mê Kông. Tuy nhiên các đập tích nước mùa mưa sẽ đưa đến kết quả là nước không dâng lên đột ngột trong mùa lũ ở hạ nguồn trong địa phận Việt Nam.
Điều này sẽ khích lệ việc hình thành các vùng đê bao khép kín, chống lũ triệt để tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và những vùng sẽ bị ảnh hưởng của nước biển dâng ven biển Tây.
Nước biển dâng sẽ đưa nước mặn vào sâu hơn trong đất liền mùa nắng. Trước khi mùa nắng bắt đầu, nước còn ngọt dưới sông được bơm đầy vào các kênh rạch, đồng ruộng trong khu đê bao khép kín để dự trữ nước ngọt nhất là vùng ven biển Nam bộ và bán đảo Cà Mau.
Hiện nay chưa khai thác các trạm bơm tập trung để đưa nước vào mà chỉ khai thác bơm nước ra. Vận động nông dân vùng này đào những ao lớn trữ nước ngọt mùa nắng dùng cho sinh hoạt như ao Bà Om tại tỉnh Trà Vinh.
Đóng nắp cống không cho nước mặn xâm nhập vào trong nội đồng. Bên cạnh hệ thống canh tác phổ biến là lúa – lúa, việc hình thành ngày càng nhiều vùng đê bao khép kín sẽ tạo điều kiện tăng dần diện tích lúa TĐ chính vụ (gieo cấy trong tháng 8-9 và thu hoạch trong tháng 11-12) sẽ hình thành những cơ cấu luân canh bền vững mới: lúa ĐX – lúa HT – lúa TĐ; lúa ĐX – màu XH – lúa TĐ và màu ĐX – màu XH – lúa TĐ.
Cùng với rừng ngập mặn và hệ thống đê biển, trùng trùng điệp điệp các khu đê bao khép kín trong nội đồng vùng ĐBSCL sẽ như những “lũy tre làng” bảo vệ cộng đồng dân cư trước hiểm họa biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
PGS.TS DƯƠNG VĂN CHÍN
Theo: nongnghiep.vn