PHÒNG TRỊ SÂU CUỐN LÁ TRÊN LÚA HÈ THU 2019 GIAI ĐOẠN ĐÒNG – TRỔ
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được hơn 1,5 triệu ha lúa Vụ Hè Thu 2019, trong đó giai đoạn Làm đòng – trổ chiếm khoảng 24%. Khi cây lúa bước vào thời kỳ đòng – trổ thì bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng phù hợp, bà con cần chú ý đến các loại dịch hại nhất là dịch hại tấn công lá đòng vì dễ khiến năng suất thất thu. Điển hình trong số đó là sâu cuốn lá lúa.
 
 

Khoảng 363.720 ha lúa Hè Thu 2019 đã bước vào thời kỳ đòng – trổ
 

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta thì sâu cuốn lá là loại dịch hại xuất hiện quanh năm, bên cạnh đó tình hình canh tác liên tục và không đồng đều tại các vùng cộng thêm thời tiết thay đổi thất thường và cách phòng trừ chưa khoa học đã khiến sâu cuốn lá trở nên kháng thuốc, lây lan từ vụ này sang vụ kia và rất khó phòng trị. Sâu cuốn lá có hai loại: sâu cuốn lá nhỏ và sâu cuốn lá lớn nhưng sâu cuốn lá nhỏ được chú ý nhiều hơn do mức độ gây hại cao và phổ biến. Sâu cuốn lá có khả năng nhả tơ để kết hai mép lá lại thành ống để sống bên trong đó và đây cũng chính là một trở ngại nếu bà con phòng trị không kịp thời vì thuốc sẽ khó tiếp xúc với sâu hơn. Sâu sẽ ăn phần thịt lá dọc theo gân lá chỉ chừa lại lớp biểu bì dưới tạo thành những vệt trắng dài, khi sâu ăn nhiều thì các đường trắng này sẽ nối nhau tạo thành mảng, bà con có thể dễ dàng nhìn thấy biểu hiện này khi sâu tấn công. Ruộng bị hại nặng sẽ trở nên xơ xác, lúa sinh trưởng kém, hạt lép lửng, năng suất giảm vì mất diện tích quang hợp. Bên cạnh đó, vết thương trên lá do sâu gây nên còn là điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của những đối tượng cơ hội như nấm và vi khuẩn, làm cho cây lúa gặp phải nhiều áp lực hơn.

 

 

Theo PGS. TS Phạm Văn Huỳnh: “vòng đời của sâu cuốn lá từ trứng đến sâu non, nhộng rồi thành bướm có khả năng đẻ trứng trở lại thì kéo dài vào khoảng 30 – 45 ngày và tùy một vài điều kiện như giống lúa, phân bón cũng như thời tiết thì vòng đời này có thể rút ngắn lại”. Về hình thái sâu cuốn lá, chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt từ trứng đến sâu non, nhộng và bướm. Trứng sâu cuốn lá nhỏ có hình bầu dục, đẻ từng quả trên mặt lá gần gân lá. Sâu non có 5 tuổi, mới mở màu trắng trong, đầu có màu nâu đen, khi lớn cơ thể chuyển màu vàng xanh, đầu màu nâu sáng. Nhộng có  màu  vàng hoặc nâu đậm, thường thấy trong lá bị cuốn. Bướm sâu cuốn lá có màu vàng hơi nâu, khi đậu cánh sẽ xếp thành hình tam giác có 2 sọc nâu đen rất dễ thấy. 

 

 

Để đạt hiệu quả trong quản lý sâu cuốn lá hại lúa bà con nên kết hợp nhiều biện pháp: nếu có điều kiện thì chỉ làm 2 vụ lúa hoặc luân canh lúa với cây trồng khác, không sạ quá dày, bón phân cân đối và chú ý không nên bón thừa phân đạm để tránh tình trạng lá lúa sum sê và quá xanh, thu hút bướm sâu cuốn lá đến ruộng. Nên dọn sạch cỏ bờ vì đó là nơi lưu trú của bướm sâu cuốn lá. Hạn chế phun thuốc trong giai đoạn 30 ngày đầu sau khi sạ nhằm bảo vệ thiên địch trên ruộng lúa và lúc này thì cây lúa cũng đang trong giai đoạn ra lá nên có khả năng phục hồi, không làm mất năng suất. Tuy nhiên, nếu mật độ sâu cuốn lá xuất hiện đến ngưỡng hành động, tức là vào khoảng 30 con/m thì bà con nên áp dụng biện pháp cuối cùng đó lá tiến hành phun thuốc. Riêng giai đoạn đòng – trổ, mật độ sâu cuốn lá khoảng 6-9 con/m2 phải tiến hành phun thuốc ngay để đảm bảo năng suất lúa. 

Phải đặc biệt lưu ý đến sâu cuốn lá ở thời kỳ đòng –trổ
 

Xác định được sự xuất hiện của bướm sâu cuốn lá trên ruộng là một điều rất cần thiết. Thông thường, sau khi thấy bướm rộ trên ruộng thì sau 6 – 7 ngày sẽ có sâu tuổi 1 mới nở, đây là thời điểm thích hợp nhất để phun thuốc vì sâu còn non nên rất dễ trị. tiếp theo là chọn đúng loại thuốc để diệt trừ sâu cuốn lá. Thứ 3 là đúng cách, phải phun thuốc cho thật đều, thật đủ để thuốc tiếp xúc được với sâu. Cuối cùng là đúng liều lượng phun theo khuyến cáo khi sâu ở tuổi 1 – 2 để vừa đạt hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí. 

 

 

Dẫn đầu thị trường về các dòng sản phẩm sinh học mang lại hiệu quả tối ưu và an toàn, Công ty TNHH TM Tân Thành đem đến cho nhà nông giải pháp Focal 80WG trong phòng trị sâu cuốn lá lúa. Focal 80WG là thuốc trừ sâu sinh học với tác động tiếp xúc và vị độc, đặc trị sâu cuốn lá trên lúa với hiệu lực kéo dài. Bà con nên sử dụng Focal 80Wg khi sâu tuổi 1 – 2 với liều dùng là 15g/bình 25L để đạt hiệu quả cao và tối ưu chi phí.

 

 

Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm và cách quản lý dịch hại hữu hiệu, quý bà con vui lòng liên hệ tổng đài 1800 1083 để được tư vấn và hỗ trợ.

Cần Thơ, ngày 22 tháng 06 năm 2019