Đốm trắng (tên gọi khác là đốm nâu, đốm tắc kè hay đốm mắc cua tùy vào đặc điểm hình dạng, màu sắc và giai đoạn phát triển của vết bệnh), thường gây hại mạnh trong mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và đặc biệt là phẩm chất trái Thanh long. Thời tiết mưa nắng xen kẽ với ẩm độ không khí cao như thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh và xâm nhiễm của loại dịch hại này. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 600 hecta nhiễm đốm trắng với tỷ lệ phổ biến từ 5 – 10%.
Nấm Neoscytalidium dimidiatum là tác nhân gây nên đốm trắng trên Thanh long. Bào tử nấm bệnh có khả năng phát tán theo gió và nước nên gây ra không ít khó khăn trong khâu quản lý bệnh. Vết bệnh ban đầu là những đốm tròn nhỏ màu trắng, hơi lõm, rồi chuyển sang màu vàng cam, về sau sẽ trở thành vết loét có màu nâu, hơi cộm lên, khi bệnh nặng thì nhiều vết bệnh liên kết với nhau gây thối cành, ảnh hưởng lớn đến cây. Bệnh gây hại cả trên cành và trái, những bộ phận bênh có thể tấn công như: bẹ non, nụ bông, trái non và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
Theo ghi nhận từ các cơ quan chuyên môn thì ở những vườn có mực thuỷ cấp cao, vệ sinh kém, rậm rạp thiếu ánh sáng do bị che mát nhiều, sử dụng nhiều phân đạm, bón phân chuồng chưa ủ hoai hoặc sử dụng nhiều chất kích thích tăng trưởng không tốt và bón thiếu các nguyên tố trung vi lượng đều có tỷ lệ bệnh cao hơn bình thường, khó phòng trị hơn khi bệnh tấn công. Để quản lý tốt bệnh đốm trắng trên Thanh long, nhà vườn cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nên quy trình phòng trị tổng hợp nhằm mang đến hiệu quả cao.
Nhà vườn cần lên liếp cao, nhất là đối với những vùng đất trũng để có hệ thống thoát nước tốt giúp vườn luôn được khô ráo. Nhất định không lấy hom ở vườn bị bệnh để làm giống vì nguy cơ lây lan rất cao. Nếu như cây lúa bị thừa phân nhất là thừa đạm sẽ khiến bệnh hại có cơ hội tấn công cao thì Thanh long cũng vậy, cây cũng cần được bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, không cần quá nhiều đạm và không nên lạm dụng quá nhiều chất kích thích sinh trưởng khi không hiểu rõ về uy tín cũng như có chế tác động. Nếu có điều kiện nên sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp cùng các chế phẩm đối kháng hoặc phân hữu cơ vi sinh. Nên vệ sinh vườn sạch sẽ và thường xuyên thu gom những bộ phận bị bệnh của cây như cành, trái để tiêu hủy nhằm tránh lây lan là biện pháp tiếp theo.
Cần phát hiện sớm bệnh đốm trắng để sử dụng thuốc phòng trị bệnh kịp thời, nên chọn các sản phẩm được cung cấp từ đơn vị uy tín và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo để đạt hiệu quả tối ưu. Bà con có thể sử dụng Chubeca 1.8SL kết hợp cùng TT Over 325SC của Công ty TNHH TM Tân Thành trong quản lý đốm trắng thanh long với liều lượng 60ml Chubeca 1.8SL/bình 20 – 25L + 30ml TT Over 325SC/bình 20 – 25L, lượng nước khi phun là 600 – 800L/ha.
Đốm trắng Thanh long sẽ không còn là nỗi lo lớn nếu nhà vườn áp dụng đúng và đủ những giải pháp cần thiết. Mọi thông tin chi tiết về kỹ thuật canh tác và cách quản lý dịch hại, kính mời quý bà con liên hệ tổng đài 1800 1083 để được hỗ trợ.
Cần Thơ, ngày 20 tháng 06 năm 2020