Bắp (tên gọi khác là ngô) là loại cây nông nghiệp có diện tích thu hoạch lớn thứ hai tại Việt Nam sau lúa. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu có 33.700 ha đất trồng bắp, chủ yếu ở giai đoạn cây con đến xoáy noãn, giai đoạn này là thời điểm sâu keo mùa thu có khả năng gây hại mạnh nhất.
Bắp có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước hết là làm lương thực cho người cũng như trong chăn nuôi gia cầm và gia súc. Trong công nghiệp thì được sử dụng để chuyển hóa thành chất dẻo hay vải sợi, xăng sinh học, rượu, cồn… ngoài ra còn có thể làm thảo dược.
Thời gian sinh trưởng của cây bắp ngắn hay dài sẽ phụ thuộc vào giống và điều kiện ngoại cảnh. Trung bình từ khi gieo đến khi chín là 90 – 160 ngày. Sự phát triển của cây bắp thường được chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng từ khi gieo đến khi xuất hiện nhị cái và giai đoạn sinh trưởng sinh thực bắt đầu với việc thụ tinh của hoa cái cho đến khi hạt chín hoàn toàn. Các thời kỳ chính của cây bắp bao gồm: nảy mầm, 3 – 6 lá, 8 – 10 lá, xoáy nõn, nở hoa và cuối cùng là thời kỳ chín.
Trong suốt thời kỳ sinh trưởng và phát triển, cây bắp có thể đối mặt với nhiều đối tượng gây hại, tuy nhiên sâu keo mùa thu là một đối tượng gây hại đáng quan tâm hàng đầu. Sâu keo mùa thu với tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có phổ ký chủ rộng, gây hại trên 80 loài cây thực vật, thích cắn phá chủ yếu trên cây thuộc họ hòa thảo như: ngô, lúa, mỳ, mạch, mía và cả trên cây đậu nành, đậu phộng (lạc), khoai lang… Trong số các ký chủ thì sâu thích phá hoại nhất là cây bắp.
Sâu keo mùa thu đẻ trứng thành bọc, mỗi bọc 150-200 trứng, trứng hình cầu và có lớp tơ mịn màu vàng nhạt bao phủ bên ngoài. Giai đoạn trứng từ 2 – 3 ngày. Ấu trùng có màu xanh nhạt đến nâu sẫm với 6 tuổi. Ấu trùng lớn có dấu hiệu nhận biết đặc trưng là hình chữ “Y” ngược màu vàng trên đầu, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông; trên mỗi đốt thân có 4 chấm xếp thành hình thang, lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song.
Nhộng có màu nâu sáng, thường hóa nhộng trong đất ở độ sâu 2 đến 8 cm, thời gian của giai đoạn nhộng khoảng 8 – 9 ngày trong mùa hè. Sâu trưởng thành có màu nâu đen, cánh bướm có màu nâu hoặc xám với những chấm màu vàng sẫm và một đường viền màu xám ở gần mép cánh, cánh sau có màu trắng. Thời gian sống của con trưởng thành từ 7 – 21 ngày (trung bình khoảng 10 ngày).
Sâu non có khả năng gây hại trên lá, các bộ phận non của cây và trái, từ tuổi 3 trở đi gây hại nặng nhất, chúng cắn thủng lá tạo một vẻ bề ngoài của lá rất xơ xác. Nếu mật số sâu cao có thể làm rụng lá hoàn toàn, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Sâu keo mùa thu đã gây hại ở 15 tỉnh thành và gần đây toàn vùng ghi nhận 475.6 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại, mật số phổ biến là 2 – 4 con/m2, phân bố nhiều ở Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh và Hậu Giang (theo thông tin từ TT. Bảo Vệ Thực Vật Phía Nam).
Để phòng trừ sự gây hại của sâu keo mùa thu cần thực hiện kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp. Trước tiên là biện pháp canh tác, cần làm đất, phơi đất khô để diệt ấu trùng, nhộng trong đất, luân canh bắp – lúa để diệt nhộng. Có thể sử dụng biện pháp sinh học bằng cách dùng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone để thu diệt trưởng thành. Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng thu bắt sâu tuổi lớn, ngắt bỏ ổ trứng (đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng và ngắt tiêu hủy). Tiếp đến là biện pháp hóa học, bà con có thể sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá), phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và cần tuân theo nguyên tắc 4 đúng.
Bà con có thể tham khảo và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Focal 80WG trong quản lý sâu keo mùa thu. Focal 80WG có tác động tiếp xúc và vị độ với hiệu lực kéo dài, liều lượng sử dụng Focal 80WG trong phòng trừ sâu keo mùa thu là 15 – 20g/bình 25L.
Mọi thông tin chi tiết về kỹ thuật canh tác, kính mời quý bà con liên hệ tổng đài 18001083 để được tư vấn và hỗ trợ.
Cần Thơ, ngày 30 tháng 07 năm 2020