Sóc Trăng làm lúa thơm đặc sản
Sóc Trăng làm lúa thơm đặc sản

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều giống lúa đặc sản nổi tiếng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ưa chuộng. 


SÓC TRĂNG LÀM LÚA THƠM ĐẶC SẢN

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều giống lúa đặc sản nổi tiếng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ưa chuộng.

SX lúa thơm đặc sản ở Sóc Trăng

Để khai thác lợi thế về thổ nhưỡng và những thành tựu trong công tác chọn tạo, SX giống lúa thơm đặc sản, tỉnh đang xây dựng các vùng SX lúa thơm ổn định và bền vững.
Bước tiến 2 năm
Qua 2 năm thực hiện đề án “Phát triển SX lúa đặc sản đến năm 2015”, Ban Điều hành Đề án – Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết đã triển khai trên địa bàn 34 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.

Đây là các địa phương có vùng SX thích hợp cho phát triển lúa thơm đạt chất lượng cao, có nền tảng và phong trào SX lúa thơm ST, lúa Tài Nguyên mùa khá thành công trước đây.
Năm 2013 diện tích gieo trồng lúa đặc sản tại 4 huyện trong vùng đề án đạt 71.719/85.427 ha toàn tỉnh, trong đó lúa ST đạt 28.671 ha, lúa Tài nguyên mùa 7.423 ha và 43.048 ha các giống lúa thơm khác.
Trong đó, vụ mùa và ĐX 2012-2013 diện tích lúa đặc sản đạt 50.447 ha/64.479 ha toàn tỉnh, trong đó lúa ST 19.778 ha; lúa Tài Nguyên mùa 7.423 ha. Vụ HT 2013, diện tích lúa đặc sản đạt 15.988/19.071 ha toàn tỉnh, trong đó lúa ST 5.528 ha và các giống lúa thơm nhẹ khác 10.460 ha.
Để đảm bảo phẩm chất lúa gạo, đề án chú trọng xây dựng hệ thống SX giống. Trong đó giống ST cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng. Vụ ĐX 2013-2014 trại giống cây trồng Long Phú triển khai SX kết quả thu 3.724 kg giống siêu nguyên chủng và 99.000 kg giống nguyên chủng gồm các giống ST5, ST20, OM4900, OM9921, OM9915, OM6162, OM7347.
Bên cạnh đó, Ban điều hành đề án ký kết hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật SX giống lúa cấp nguyên chủng và cấp xác nhận cho 52 nông dân ở 2 huyện Thạnh Trị và Trần Đề cùng với 6 lớp tập huấn kỹ thuật cho 154 nông dân ở 4 huyện thuộc vùng đề án.
Vụ ĐX 2013-2014 vừa qua đề án thực hiện 20 mô hình trình diễn (mô hình 1,5 ha/hộ) trình diễn giống lúa đặc sản như ST5, OM4900, OM7347, OM9921, OM9915. Kết quả năng suất đạt từ 6 – 8 tấn/ha. Các giống lúa trên tỏ ra thích hợp tại các địa phương, ít nhiễm sâu bệnh cho năng suất khá ổn định, được nông dân chấp nhận SX.
Mặt khác, để hỗ trợ cho mạng lưới SX giống xác nhận, các địa phương trong vùng đề án cung ứng trên 27,9 tấn giống nguyên chủng gồm các giống ST5, OM4900, OM7347, OM9921, OM9915 để nhân giống trên 232,7 ha.
Cánh đồng mẫu VietGAP
Qua 2 năm thực hiện đề án, diện tích lúa thơm đặc sản ở Sóc Trăng từ 57.610 ha (năm 2012) tăng lên 83.550 ha (năm 2013). Trong đó, vùng lúa thơm ST từ 26.632 ha tăng lên 30.798 ha, lúa Tài Nguyên mùa từ 7.423 ha tăng lên 9.309 ha.
Khởi đầu vụ ĐX 2012-2013, đề án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu (CĐM) theo hướng VietGAP tại tổ hợp tác ấp 15, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị với qui mô 90 ha với 114 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa thơm RVT.
Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá lúa giống và 15% phân bón thuốc BVTV và được tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo quy trình “1 phải 5 giảm”, cung cấp sổ nhật ký và hướng dẫn phương pháp ghi chép tình hình SX theo hướng VietGAP.
Đồng thời hỗ trợ trong việc ký hợp đồng cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc BVTV với các DN (Cty Hồ Quang, Cty CP Phân bón Bình Điền, Cty Hóa nông Hợp Trí, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp Võ Thanh Liêm); Ký hợp đồng thu mua lúa giữa đại diện nhóm nông dân với Cty CP Chế biến kinh doanh lương thực Ngọc Mekong.
Đến vụ ĐX 2013-2014, ấp A2, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị và ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình, huyện Ngã Năm triển khai 2 mô hình CĐM theo hướng VietGAP quy mô 180 ha với 131 hộ tham gia, sử dụng giống lúa thơm ST5 và ST20.
Mô hình thực hiện trên một khu vực liền kề, có hệ thống thủy lợi khép kín trong vùng quy hoạch của địa phương, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông chuyển giao và có hợp đồng với các DN cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa trong mối liên kết “4 nhà”.
Kết quả các mô hình năng suất lúa bình quân đạt trên 7,2 tấn/ha, cao hơn lúa ngoài mô hình 7 – 10% cùng thời điểm. Giá thành SX lúa thấp hơn mức bình quân chung khu vực thực hiện CĐM 800 – 900 đồng/kg (lúa tươi).

Giá lúa đặc sản trong mô hình CĐM cao hơn lúa hạt dài thường tại thời điểm tùy theo giống lúa như lúa ST5 cao hơn 500 – 700 đồng/kg; lúa RVT cao hơn 800 – 1.000 đồng/kg và lúa ST20 cao hơn 1.200 – 1.500 đồng/kg. Từ đó lợi nhuận đạt từ 57 – 61% tổng thu nhập trong 2 vụ ĐX 2012-2013 và 2013-2014, mức lợi nhuận trong CĐM cao hơn bên ngoài 6 – 8 triệu đồng/ha.

Theo HƯNG PHÚ/ nongnghiep.vn