TÌM HIỂU VỀ THÁN THƯ TRÊN XOÀI
Xoài là một loại cây ăn trái được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi sự thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Cây xoài còn là người bạn thân thiết, giúp nhà nông cải thiện kinh tế gia đình.
Trái xoài luôn được người tiêu dùng ưa chuộng
Tuy nhiên, bất kỳ cây trồng nào ở thời điểm hiện tại thì việc canh tác cũng không dễ dàng bởi áp lực thời tiết cũng như dịch hại và xoài cũng không ngoại lệ. Trong số những bệnh hại rất nguy hiểm cho cây xoài thì thán thư là một điển hình. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides Penzig gây ra, có tác hại đến nhiều bộ phận của cây xoài như lá, hoa, quả và ở hầu hết các tháng trong năm bệnh đều có thể tấn công, nhất là trong mùa mưa.
Chồi, lá, cành non vào giai đoạn ra lá, bông và trái vào giai đoạn ra bông, tạo trái là các thời điểm mẫn cảm nhất với thán thư vì nấm bệnh chủ yếu gây hại trên các phần non của cây xoài. Thêm một đặc tính nữa là nấm bệnh rất thích ẩm và lây lan nhanh nhờ nước nên khi trời nóng ẩm nhất là sau khi mưa hoặc trời lạnh, sáng có nhiều sương là điều kiện thuận lợi để bệnh phát tán và các bộ phận của cây bệnh rơi xuống đất là nguồn dễ lây nhiễm khi gặp điều kiện thích hợp.
Thán thư sẽ biểu hiện thành những triệu chứng không giống nhau tùy vào từng bộ phận của cây khi bệnh gây hại. Trên lá thì giai đoạn lá non là lúc mẫn cảm nhất với bệnh. Đầu tiên sẽ xuất hiện các đốm đen nhỏ rải rác, sau đó lớn dần tạo thành những mảng lớn hình tròn hoặc góc cạnh màu nâu tối. Khi vết bệnh phát triển trên lá già có màu trắng xám, gây rách, thủng lá và rụng đi. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau tạo mảng lớn làm cho lá xoài bị vặn vẹo, khô, xoắn cong.
Thán thư gây hại lá xoài
Tương tự như trên lá, khi gây hại trên bông thì bào tử nấm sẽ xâm nhập các gié non tạo thành những chấm đen nhỏ rải rác trên trục và nhánh bông. Sau đó lớn dần làm cho bông không nở, không thụ phấn được. Bệnh nặng làm rụng bông, các gié hoa, cành hoa bị thối đen, khô héo và chết.
Triệu chứng bệnh thán thư trên bông xoài
Trên trái bệnh tấn công làm cuống trái bị thối đen và rụng. Ở giai đoạn trái non bệnh thường xuất hiện ở cuống trái, các vết đốm nâu lan rộng làm cho trái không lớn được hoặc méo mó, bệnh nặng có thể gây rụng trái hàng loạt. Nếu trái lớn mà bệnh tấn công thì sẽ làm cho bề mặt trái bị lõm đen, lan lớn dần tạo thành mảng lớn.
Bệnh thán thư trên trái xoài
Nói về cách phòng trị thán thư thì trước hết là khâu vệ sinh vườn, bà con cần thu gom và tiêu hủy lá, cành khô, trái rụng trong vườn để cắt đứt nơi lưu trú của nấm bệnh. Dọn sạch cỏ dại mọc dưới tán cây để vườn được thông thoáng và giảm độ ẩm, khi đó nấm bệnh sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó trong quá trình sinh trưởng của cây bà con cần tỉa cành nhằm giúp vườn được thông thoáng hơn để khâu chăm sóc cũng như thu hoạch được thuận lợi.
Do bệnh thán thư thường xảy ra trong điều kiện ẩm độ cao nên bà con cần hạn chế khâu xử lý ra bông vào mùa mưa. Nhưng nếu đang trong giai đoạn ra bông mà gặp mưa, cần đợi đến khi cây ráo nước và tiến hành phun thuốc trừ bệnh thán thư để ngăn chặn sự phát triển mạnh của bệnh.
Bệnh thán thư cần được phòng trừ sớm bằng các loại thuốc đặc trị. Bà con có thể sử dụng 300g Newtracol 70WP kết hợp với 180ml Chubeca 1.8SL cho 1 Phuy 200L để quản lý thán thư trên xoài, phun khoảng 8 lần/vụ từ khi cây bắt đầu nhú cựa gà đến khi bao trái. Lưu ý: số lần phun có thể tăng hoặc giảm tùy vào điều kiện thời tiết.
Mọi thông tin chi tiết, bà con vui lòng liên hệ tổng đài 1800 1083 để được tư vấn và hỗ trợ.
Cần Thơ, ngày 25 tháng 05 năm 2018