Tìm tên cho nông sản ĐBSCL
Tìm tên cho nông sản ĐBSCL
Là khu vực có lợi thế về nông nghiệp tốt nhất VN, hàng năm khu vực này có đóng góp ổn định vào nền kinh tế quốc dân, ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hiện việc xây dựng thương hiệu nông sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
TÌM TÊN CHO NÔNG SẢN ĐBSCL
Là khu vực có lợi thế về nông nghiệp tốt nhất VN, hàng năm khu vực này có đóng góp ổn định vào nền kinh tế quốc dân, ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hiện việc xây dựng thương hiệu nông sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
ĐBSCL được nhận định là nơi có lợi thế về nông nghiệp tốt nhất VN. Nơi đây cũng được biết đến như vựa lúa gạo, trái cây và thủy sản nổi tiếng cả nước. Hằng năm, khu vực này có một đóng góp ổn định vào nền kinh tế quốc dân, ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản vùng ĐBSCL 10 năm qua tăng từ 56 nghìn tỉ đồng lên khoảng 110 nghìn tỉ đồng, tăng bình quân gần 7%/ năm.
Yêu cầu từ thực tế
Tuy nhiên, với những yêu cầu cao của một thị trường hội nhập cũng như áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, nông nghiệp ở ĐBSCL đã bộc lộ nhiều khó khăn. Trong đó, việc xây dựng một thương hiệu nông sản chung cho khu vực chưa đạt được như kỳ vọng và tầm vóc. Một số mô hình như liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa người nông dân và DN đã gặp phải rất nhiều trở ngại và không ít liên kết như thế đã bị phá vỡ. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn chưa có sự liên kết với nhau giữa các DN, nên nếu chỉ có sản lượng nhỏ thì DN khó có thể xuất khẩu và mất “tiếng nói” trong thị trường quốc tế.
Đối với những DN xuất khẩu nông sản lớn, có tiềm lực thì họ không quan tâm đầu tư xây dựng chuỗi giá trị vào sản xuất nông sản có thương hiệu, mà chỉ “hớt váng” hưởng chênh lệch giá.
Chính từ thực trạng này, việc xây dựng thương hiệu nông sản cho khu vực ĐBSCL là rất cần thiết, cần thực hiện ngay từ bây giờ một cách bài bản. Nó tạo hình ảnh nông sản ĐBSCL đẹp trong mắt khách hàng, đặc biệt là các nhà nhập khẩu nước ngoài, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản trên thị trường quốc tế, tăng lượng thu ngoại tệ về cho đất nước; từ đó, tạo động lực phát triển cho nông dân và một số ngành khác có liên quan như : khoa học kỹ thuật, truyền thông, bảo hiểm nông nghiệp.
Liên kết vào cuộc
Để xây dựng thương hiệu nông sản cho khu vực ĐBSCL, không thể không có sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan ban ngành hữu quan và các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, sự chỉ đạo của Nhà nước với các bộ, ngành để phối hợp và đề ra các chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông nghiệp, thực hiện chương trình truyền thông và xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia, phổ biến, hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho sản phẩm trong nước và quốc tế là rất quan trọng.
Các cấp chính quyền địa phương tại ĐBSCL cần xác định lợi thế so sánh của mình, từ đó, có kế hoạch dài hạn cho việc đầu tư, sản xuất, xây dựng thương hiệu mặt hàng nông sản; trong đó các kế hoạch này cần có sự phối hợp chặt chẽ, mang tính triển khai chi tiết với các kế hoạch chung của Nhà nước. Chính quyền địa phương cần kết hợp với các bộ, ngành có liên quan để đề ra lộ trình với những bước đi thích hợp cho vấn đề này. Cần chú trọng việc giám sát và theo dõi tiến độ thực hiện cũng như mức độ hiệu quả để đưa ra những chỉnh lí phù hợp. Bên cạnh đó, cần phổ biến các chương trình hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho DN và nông dân. Ngoài ra, việc tuyên truyền, giúp đỡ người nông dân nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu, tránh những âm mưu phá hoại quy hoạch trồng, chế biến hoặc nhằm ép giá nông dân, cạnh tranh của các DN thu mua, phân phối không lành mạnh.
Việc xây dựng thương hiệu nông sản cho khu vực ĐBSCL là rất cần thiết, cần thực hiện ngay từ bây giờ một cách bài bản.
Về phía DN, theo dõi chặt chẽ chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại của Nhà nước để triển khai hiệu quả chương trình quảng bá và xúc tiến bán hàng riêng của DN. Đối với những nông sản đã tạo được uy tín trên thị trường như gạo Nàng thơm, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi,… DN cần tích cực tìm kiếm thị trường mới trên thế giới, đầu tư để quảng bá, truyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiên thông tin đại chúng, xây dựng kênh phân phối thuận tiện, hữu hiệu và bền vững để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Một số DN hiện nay đã xây dựng kênh liên kết giữa các DN trong cùng ngành, đây là một bước đi cần thiết để DN sớm xây dựng được chuỗi cung ứng giá trị và gia tăng giá trị sản phẩm. DN cũng cần chú trọng thực hiện đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại, đưa ra và thực hiện những cam kết với khách hàng về chất lượng, an toàn sản phẩm mà còn cam kết với nông dân về đầu ra và đảm bảo giá cả phù hợp. Một số gợi ý về đăng ký chỉ dẫn xuất xứ địa lý như cách mà nước mắm Phú Quốc đã làm mới đây để vào được khu vực xuất khẩu EU cũng rất đáng học tập và thực tế đã có một số DN tính đến chuyện này.
Với nông sản, yếu tố không thể thiếu là vai trò nhà Khoa học trong hỗ trợ chính quyền địa phương xác định lợi thế so sánh, hỗ trợ nông dân gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản; Hướng dẫn, giám sát, điều chỉnh quy trình trồng trọt hợp lí cho người nông dân; Từng bước đào tạo và thay đổi những tư duy sản xuất theo lối cũ. Cùng với đó, người nông dân cũng đã đến cần thay đổi tư duy sản xuất, cần được khuyến khích theo dõi chính sách của nhà nước, địa phương, phối hợp tốt với nhà khoa học, DN để tổ chức sản xuất theo quy mô và có ý thức bảo vệ thương hiệu nông sản; tuân thủ các hợp đồng ký kết với các DN trong nước, không chạy theo lợi ích nhất thời.
Tóm lại, để nâng cao giá trị và đưa nông sản ĐBSCL tiến xa và sâu hơn tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữ các nhà. Nhà nước cần đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển phù hợp và xúc tiến việc xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia. Địa phương cần xác định lợi thế so sánh của mình để tạo ra sự khác biệt bền vững bằng kế hoạch dài hạn trong đầu tư, sản xuất. Nhà khoa học nghiên cứu lai tạo, phát triển giống phù hợp, năng suất và chất lượng cao, trồng tại nhiều vùng đất khác nhau. Nhà nông tiến hành trồng theo quy mô, có sự liên kết lẫn nhau. Nhà kinh doanh tìm cách quảng bá, bán sản phẩm trên thị trường.
Ths Đỗ Thanh Năm
Giám đốc Cty tư vấn chiến lược Win-Win (theo báo DĐDN)
Nguồn: www.marketingnongnghiep.com
Nguồn: www.marketingnongnghiep.com