Vụ mùa – hè thu các tỉnh phía Bắc: Tăng tốc chuyển đổi đất lúa
Vụ mùa – hè thu các tỉnh phía Bắc: Tăng tốc chuyển đổi đất lúa
Vụ mùa – hè thu (HT) 2014 các tỉnh miền Bắc đã khép lại với thắng lợi được mùa lớn.
Vụ mùa – hè thu các tỉnh phía Bắc: Tăng tốc chuyển đổi đất lúa
Vụ mùa – hè thu (HT) 2014 các tỉnh miền Bắc đã khép lại với thắng lợi được mùa lớn.
Vụ mùa 2014 ở miền Bắc được mùa lớn
Đặc biệt, cơ cấu giống lúa thuần chất lượng cao tăng mạnh. Trong khi đó, cơ cấu cây trồng vụ HT và vụ đông 2014 đã ghi nhận sự chuyển dịch khá rõ rệt theo tinh thần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Được mùa lớn
Cuối tuần qua, tại Nam Định, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết vụ mùa, vụ HT và triển khai vụ đông xuân (ĐX) 2014-2015 tại các tỉnh miền Bắc.
Vụ mùa – HT năm nay có thuận lợi lớn khi thời tiết rất ủng hộ, số cơn bão đổ bộ ít hơn hẳn so với mọi năm giúp thiệt hại do mưa bão gần như không đáng kể so với mọi năm. Bên cạnh đó, tình hình dịch hại trên lúa cũng giảm rõ rệt, mặc dù dịch sâu cuốn lá bùng phát mạnh ở một số tỉnh nhưng đã được ngành BVTV khống chế thành công.
Theo Cục Trồng trọt cũng như đánh giá của hầu hết các địa phương, đây là vụ mùa thắng lợi nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, sản lượng lúa mùa toàn miền Bắc ước đạt 5,843 triệu tấn, tăng khoảng 164 nghìn tấn so với vụ mùa năm 2013, trong đó vùng ĐBSH tăng mạnh nhất với hơn 158 nghìn tấn.
Tổng sản lượng tăng chủ yếu nhờ năng suất lúa toàn vùng tăng mạnh, trung bình đạt gần 52 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha so với vụ mùa 2013. Trong đó, vùng ĐBSH năng suất tăng 3,2 tạ/ha; vùng Đông Bắc bộ tăng 1,7 tạ/ha và vùng Tây Bắc tăng 3,5 tạ/ha so với năm 2013. Đối với lúa HT ở các tỉnh Bắc Trung bộ, mặc dù diện tích vẫn duy trì gần 165 nghìn ha như mọi năm, tuy nhiên nhờ năng suất tăng 4,4 tạ/ha so với năm trước nên tổng sản lượng tăng thêm 75 nghìn tấn (10,3%).
Cùng với lúa thương phẩm, SX hạt giống lai F1 trong vụ mùa 2014 ở miền Bắc cũng giành thắng lợi lớn với sản lượng ước đạt hơn 2.800 tấn, tăng 406 tấn; năng suất trung bình đạt trên 25 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so với vụ mùa 2013. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN đánh giá: “Cùng với việc NK giống lúa lai từ Trung Quốc đã thuận lợi trở lại, việc SX hạt lai F1 thắng lợi liên tiếp trong năm 2014 sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi để cung ứng giống lúa lai cho vụ ĐX 2014-2015”.
Đáng chú ý, vụ mùa – HT 2014 ở miền Bắc đã tiếp tục ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ của các dòng lúa thuần, đặc biệt là các dòng lúa thuần chất lượng cao. Cụ thể, diện tích lúa chất lượng vụ HT đạt hơn 46 nghìn ha, tăng 2,5 nghìn ha so với vụ HT 2013; diện tích vụ mùa đạt hơn 417 nghìn ha, tăng 14 nghìn ha và chiếm tới 40% tổng diện tích gieo cấy toàn miền Bắc.
Về cơ cấu giống lúa trong vụ ĐX tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, vùng ĐBSH sẽ tiếp tục giảm diện tích lúa lai, tăng dần diện tích lúa thuần chất lượng cao. Đối với vùng Bắc Trung bộ, trung du, miền núi phía Bắc, việc SX lúa lai vẫn sẽ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh.
Một số tỉnh có diện tích lúa chất lượng cao lớn như Nam Định (gần 51 nghìn ha); Hưng Yên (gần 24 nghìn ha); Hải Dương (trên 35 nghìn ha)… Trong khi đó, diện tích lúa lai thương phẩm lại giảm khoảng hơn 10 nghìn ha so với năm trước, chỉ còn chiếm khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy toàn vùng, trong đó vùng Bắc Trung bộ vốn là “thủ phủ” của lúa lai đã giảm 10,2 nghìn ha, trong đó Nghệ An giảm mạnh nhất. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dần từ lúa lai sang lúa thuần chất lượng cao ở phía Bắc đang diễn biến khá mạnh mẽ.
Bước sang vụ ĐX 2014-2015, các tỉnh miền Bắc dự kiến sẽ gieo cấy khoảng hơn 1,1 triệu ha, giảm khoảng 22 nghìn ha; sản lượng giảm khoảng 150 nghìn tấn so với vụ ĐX 2013-2014. Điều này một phần do quỹ đất lúa sẽ nhường dần cho các cây trồng khác theo định hướng tái cơ cấu SX trong lĩnh vực trồng trọt và chủ trương chuyển đổi đất lúa của Chính phủ.
Diện tích ngô vụ đông miền Bắc tăng đột biến
Chuyển đổi đất lúa tăng mạnh
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, vụ mùa – HT 2014, việc chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng có giá trị tại miền Bắc đã có chuyển biến khá rõ rệt. Các tỉnh miền Bắc đã chuyển đổi được hơn 11 nghìn ha, đạt 6,7% kế hoạch chuyển đổi đến năm 2015, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất 2 lúa là gần 5 nghìn ha, đất 1 lúa là hơn 6 nghìn ha. Trung du, miền núi phía Bắc là vùng chuyển đổi mạnh nhất với với khoảng 4,7 nghìn ha, đạt gần 16% kế hoạch chuyển đổi đến năm 2015, tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ với 3,6 nghìn ha.
Hàng loạt tỉnh đã triển khai các mô hình chuyển đổi bước đầu đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiêu biểu như Thanh Hóa chuyển đổi hơn 1,8 nghìn ha đất 2 lúa và 1,1 nghìn ha đất 1 lúa sang ngô, ớt, rau quả… hiệu quả 400 – 500 triệu đồng/ha; Nam Định chuyển hơn 2 nghìn ha đất 2 lúa sang chăn nuôi, trồng rau màu, đậu tương…; Hà Giang chuyển gần 300 ha đất 2 lúa sang trồng ngô, đậu tương…
Trong khi đó, tính đến hết ngày 30/9/2014, việc SX vụ đông ở miền Bắc cũng đã ghi nhận tín hiệu rất tích cực, đặc biệt bất ngờ là diện tích ngô đông ở nhiều địa phương đang được xốc lại, đạt hơn 266 nghìn ha, tăng 36 nghìn ha so với cùng kỳ. Các tỉnh tăng diện tích ngô mạnh nhất là Điện Biên (gần 30 nghìn ha); Thanh Hóa (hơn 18 nghìn ha); Nghệ An (hơn 16 nghìn ha)…
Bên cạnh đó, diện tích đậu tương vụ đông toàn vùng cũng khởi sắc trở lại với hơn 37 nghìn ha đã gieo trồng, tăng 1,6 nghìn ha so với vụ đông năm trước; rau màu các loại cũng tăng hơn 13 nghìn ha, đạt 145 nghìn ha… Những tín hiệu này cho thấy chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất lúa sau một thời gian ngắn đã bắt đầu chuyển biến rõ nét, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp đã đặt ra.
“Vụ mùa 2014, ngành BVTV đã rất nỗ lực dập dịch hại, góp công lớn cho thắng lợi ở miền Bắc, tuy nhiên, cần phải rà soát lại chi phí dập dịch xem đã phải tốn kém ra sao để cân nhắc. Đối với vụ ĐX 2014-2015, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy lợi phải cân nhắc thật kỹ để có lịch thời vụ, lịch lấy nước hợp lí, bởi năm nay là năm nhuận, nước tưới ở các hồ chứa hiện thấp hơn cùng kỳ nhiều năm do mùa mưa bão năm nay ít hơn mọi năm.
Về cơ cấu giống lúa, chủ trương ở miền Bắc là phải rà soát lại để giảm dần số lượng giống lúa ở các địa phương, không thể để mỗi tỉnh có hàng mấy chục giống, mà chỉ tập trung cơ cấu một số giống chủ lực. Về các giải pháp kỹ thuật, chủ trương “mạ non – xuân muộn – giống ngắn ngày” sẽ vẫn là định hướng chính dành cho các tỉnh miền Bắc”. (Thứ trưởng Lê Quốc Doanh)
Theo LÊ BỀN/ nongnghiep.vn