Phần lớn diện tích lúa của ĐBSCL đã bước vào thời kỳ thu hoạch
Không khí nô nức bước vào mùa thu hoạch rộ tại các cánh đồng trong thời gian gần đây như thổi một luồng gió tươi mát cho bà con sau bao ngày cực nhọc. Bên cạnh niềm vui trúng mùa thì bà con cũng đừng quên tranh thủ thời gian thích hợp để xử lý rơm rạ và vệ sinh đồng ruộng đúng cách, sau đó là làm đất kỹ lưỡng để mang lại nhiều lợi ích cho vụ tiếp theo.
Một lượng lớn rơm rạ trên ruộng lúa sau thu hoạch
Rơm rạ lưu trú trên đồng ruộng một lượng không hề nhỏ sau mỗi lần thu hoạch, bà con cần xử lý kịp thời để hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ cũng như sự lưu tồn của các dịch hại trong vụ mùa cũ. Nói về vấn đề rơm rạ sau thu hoạch thì từ xa xưa bà con nông dân hay áp dụng hình thức đốt đồng để nhanh chóng, tuy nhiên giải pháp này không được các nhà khoa học khuyến cáo vì gây ra nhiều bất lợi. Đốt đồng trong thời tiết hanh khô dễ gây ra nguy cơ cháy lớn trên diện rộng, làm giảm độ màu mỡ của đất khiến đất bị thoái hóa và trên hết là tạo ra một lượng khói bụi lớn gây nên ô nhiễm không khí.
Ngày nay đốt đồng không được khuyến khích vì gây ra nhiều bất lợi
Từ những lý do trên thì thay vì đốt đồng bà con có thể thay thế bằng một số cách khác để mang lại nhiều lợi ích. Bà con có thể thu gom rơm rạ để tận dụng làm nấm rơm, sau khi thu hoạch nấm thì rơm rạ cũng đã hoai mục, trở thành phân hữu cơ. Một cách làm khác là ủ rơm khô để làm thức ăn cho gia súc hoặc nếu không có điều kiện mang rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên cày vùi giúp gia tăng lượng đạm của đất. Nhưng nếu cày vùi trong thời gian ngắn mà sạ lại ngay thì rơm rạ sẽ không phân hủy kịp, do vậy để rơm rạ phân hủy nhanh, không gây ngộ độc hữu cơ cho lúa ở vụ sau bà con có thể kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để phun lên rơm rạ trước khi vùi.
Bà con có thể tận dụng rơm rạ làm nấm rơm hoặc dùng chế phẩm sinh học để chúng nhanh phân hủy
Bên cạnh xử lý rơm rạ thì bà con cần dọn sạch cỏ bờ và vớt sạch các đối tượng để khai thông dòng chảy của ruộng lúa. Khi chuẩn bị bắt đầu vụ mới bà con cần tiếp tục các khâu làm đất, sang bằng mặt ruộng và tiến hành gieo sạ theo lịch xuống của địa phương để đảm bảo sự đồng loạt, hạn chế các dịch hại tấn công sớm, nhất là rầy nâu.
Canh tác lúa luôn đòi hỏi sự kết hợp từ nhiều yếu tố để mang lại sự thành công, mỗi công đoạn đều góp phần không nhỏ trong quy trình đó. Bà con hãy tìm hiểu và lựa chọn cho mình những giải pháp tối ưu nhất để vừa đảm bảo an toàn cho sự sinh trưởng của lúa mà lại có tính kinh tế.
Mọi thông tin chi tiết về kỹ thuật canh tác và các chương trình, kính mời quý bà con liên hệ tổng đài 1800 1083 để được tư vấn và hỗ trợ.
Cần Thơ ngày 2 tháng 8 năm 2019