CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” KHU VỰC HẬU GIANG, KIÊN GIANG
CHƯƠNG TRÌNH “TÂN THÀNH TIẾP SỨC HỘ NGHÈO” KHU VỰC HẬU GIANG, KIÊN GIANG

Bên cạnh những gia đình có cuộc sống hiện đại, đủ đầy về vật chất thì vẫn còn đó những gia đình “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”, phải sống trong những ngôi nhà mà không phải là nhà… Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp giọt nước mắt vội lăn của những mảnh đời bất hạnh ấy giữa dòng xoáy cuộc đời.
Xuất phát từ trái tim yêu thương và sự đồng cảm, chương trình “Tân Thành tiếp sức hộ nghèo” tiếp tục được thực hiện ở khu vực Hậu Giang và Kiên Giang. Chúng tôi đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho 8 hộ gia đình. Mỗi suất quà gồm 10 kg gạo Hoa Lúa và 5.000.000 đồng để giúp các hộ gia đình phần nào cải thiện được cuộc sống hiện tại.

1. Đoàn chúng tôi khởi hành từ 5h sáng, sau hơn 3 giờ chúng tôi đã đặt chân đến vùng quê còn nhiều khó khăn ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang.
Để đến được nhà anh Danh Quang ở Ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chúng tôi phải di chuyển bằng chiếc ghe nhỏ để qua sông. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trước mặt chúng tôi là căn nhà lá xơ xác, nằm chông chênh bên bờ sông mà tưởng chừng như muốn đổ xuống bất cứ lúc nào. Đứng lặng nhìn căn nhà một hồi lâu rồi chúng tôi mới tiến vào trong.

Mới ngoài 30 nhưng nhiều người lầm tưởng anh già hơn tuổi rất nhiều bởi cái đói, cái nghèo luôn đè nặng trên vai. Hàng ngày anh phải đi làm thuê, cắt lúa, xịt thuốc… nói chung là ai thuê gì thì làm nấy. Còn vợ anh khi thì đi làm thuê, khi thì xuống sông bắt ốc để lo bữa cơm cho gia đình. Cuộc sống thiếu thốn nên dù hai anh chị đã cố gắng làm nhưng vẫn không đủ khả năng để nuôi hai con đi học. Ngôi nhà mà anh chị đang ở là của dì Úc cho. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là bốn cây cột dựng làm khung được lợp bằng những tán lá cũ kỹ thiếu trước hụt sau. Nền nhà anh chỉ là nền đất nên mỗi khi mưa xuống nước trơn trượt, con nhỏ đi thì bị té hoài, chỉ có một chiếc giường nhỏ để làm chỗ ngả lưng.
Chị Vân – vợ anh Quang tâm sự: “Gia đình chúng tôi nghèo lắm, phải chạy ăn từng bữa thì đâu dám mơ có một ngôi nhà tử tế để ở. Ban đêm mà gặp mưa thì cả nhà thức trắng vì nước dột thấm hết xuống giường, lạnh lắm nhưng mấy mẹ con chỉ biết nhìn nhau mà không làm được gì.”
2. Ở xã Lương Nghĩa, ai cũng biết đến anh Danh Tý bởi anh là người có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Anh sống ở vùng sâu rất ít người qua lại.
Trước đây anh Danh Tý là người bình thường như bao người khác nhưng không may trong một lần leo lên cây hái dừa, anh bị té xuống và bại liệt hai chân từ đó. Càng xót xa hơn khi chính người vợ chung sống với mình bấy lâu cũng bỏ anh đi xa để lại đứa con nhỏ. Không lâu sau, người cha là chỗ để anh nương tựa duy nhất cũng không còn, ông mất và chỉ còn lại hai cha con dựa vào nhau mà sống. Cuộc sống nhiều biến cố xảy đến liên tục tưởng chừng như anh không còn sức để bước tiếp. Vậy mà anh đã một mình nuôi con khôn lớn.

Lẽ ra anh Tý có thể chữa khỏi bệnh nhưng vì nhà nghèo quá nên anh chỉ uống thuốc cho đỡ đau. Dần dần đôi chân đã mất khả năng đi lại. Một mình anh lo cơm nước, chỉ bài cho con nhỏ. Chiếc xe lăn mà anh đang sử dụng đến nay cũng đã tám năm rồi, bị rỉ sét, bánh xe mòn hết nhưng anh vẫn chưa có tiền mua xe mới.

Anh vẫn phải di chuyển trên chiếc xe lăn để nấu cơm, nhặt rau, giặt đồ… Anh chỉ không đi chợ được, cần mua gì thì nhờ hàng xóm mua giúp. Còn những việc khác trong gia đình, hầu như một mình anh gánh vác.
Bé mới học lớp 3 nhưng sau giờ học là về nhà phụ ba giăng lưới bắt cá. Hàng ngày Tài phải đi bộ đến trường. Thường thì phải đi trước một tiếng rưỡi, vừa đi vừa nghỉ ngơi dọc đường. Nhìn vẻ mặt ngây thơ của bé mà thấy tội vô cùng.
Rời nhà anh Tý nhưng vẫn còn chút gì đó nghẹn lòng. Mỗi người trong chúng tôi đều thấy xót xa trước hoàn cảnh quá bi thương của anh.

3. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến nhà chị Nguyễn Thị Sông ở Ấp 1, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Chị Sông có hai người con. Con gái lớn của chị năm nay học lớp 5, bé nhỏ học lớp 1. Chị bị bệnh tim từ lâu mà không có tiền chữa bệnh, chị chỉ nhận thuốc uống từ trợ cấp bảo hiểm. Chồng chị thì bỏ đi lúc hai con còn nhỏ. Với một người sức khỏe yếu như chị thì việc nuôi hai con đi học là vượt quá khả năng của chị. “Trước đây cô Sông còn đi làm thuê, dạo này mệt, đi làm hay bị ngất nên giờ cũng không ai thuê cô làm” hàng xóm nói tiếp lời chị. Chị không trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân được vì anh em của chị đều thuộc hộ nghèo. Chị trồng rau quanh nhà, có gì ăn nấy cho qua ngày, chỉ tội nghiệp mấy đứa con.
Chúng tôi dễ dàng nhận thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt chị và bé khi nhận được quà và những cân gạo ấm áp tình người.

4. Đến thăm gia đình bà Phạm Thị Đậm ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang khi chiều xuống, chúng tôi càng cảm thấy có sự vắng vẻ, heo hút và cô đơn vì thấy 2 đứa trẻ lang thang quanh vườn nhà. 
Lúc chúng tôi đến thì bà không có nhà, chúng tôi được hàng xóm kể lại hoàn cảnh của gia đình bà. Sống với bà là đứa cháu nội mới học lớp 1 và con gái Út mắc bệnh Đao từ nhỏ. Dù đã 21 tuổi nhưng chị Út không biết gì, cứ như đứa trẻ mới lớn.

Bà Đậm cũng gần 60 mà phải gồng mình nuôi cả con, cả cháu. Thấy tội lắm cho số phận của bà. Căn nhà của Bà không có lấy một chút gì giá trị, bà cũng chẳng có nơi nào để bấu víu, vẫn một thân một mình đi bắt ốc hoặc hái rau để có cái ăn. Tuổi già sức yếu mà phải chịu cực chịu khổ trong khi những người bằng tuổi bà lại được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi gia đầm ấm bên con cháu. Bà chấp nhận cuộc sống cơ cực để dành trọn tình thương cho con, cho cháu.

5. Cách đó vài nhà, chúng tôi lại gặp một hoàn cảnh rất khó khăn của anh Nguyễn Hoàng Thao (39 tuổi)
Không có lấy một công việc ổn định, anh Thao ở nhà nuôi ba người con nhờ vào đồng lương ít ỏi của vợ đi làm xa gửi về. Gia đình vốn đã nghèo khổ, thì tai nạn nghề nghiệp đã làm anh Thao mất đi khả năng lao động một thời gian dài. Trong một lần làm ở xưởng gỗ, anh bị máy cưa phóng vào bụng làm đứt một khúc ruột. Sau phẫu thuật, sức khỏe của anh còn rất yếu, chưa làm được gì nhiều. Tiền phẫu thuật đến nay anh vẫn chưa trả hết.
Anh Ba – kế bên nhà anh Thao kể: “Tội nghiệp tụi nó, vợ đi làm không đủ tiền nuôi mấy đứa nhỏ, thằng Thao cũng vất vả mà vẫn không đủ ăn, đủ sống. Thương lắm!”

6. Đêm dần xuống, cùng với đoàn chúng tôi còn có anh trưởng ấp đến nhà cụ Nguyễn Thị Hai, ở ấp Thanh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Phải đi đò hơn 5km chúng tôi mới đến được nhà cụ Hai. Ở đây ai cũng biết tới cụ vì cụ là người sống neo đơn, không nơi nương tựa. Cụ Hai bị mù, tai cũng đã nặng nên khi chúng tôi đến, phải nói thật to cụ mới nghe được. Dù không nhìn thấy gì nhưng cụ vẫn tự mình nấu cơm, làm tất cả các việc trong nhà mà không cần nhờ tới bất cứ ai. Tôi nghẹn ngào một hồi rồi mới hỏi thăm cụ được. Sống một mình chắc cô đơn lắm nhưng chẳng bao giờ cụ than vãn một lời nào.

Hiểu được hoàn cảnh của cụ, trưởng ấp thường giữ tiền và mua gạo giùm cụ, giúp cụ bớt cô đơn và vất vả được phần nào. Hàng xóm thương tình khi thì cho ít canh, lúc thì ít rau, ít cá…

Rời nhà cụ Hai, chúng tôi trở về để ngày hôm sau lại tiếp tục hành trình

7. Trực tiếp đến căn hộ của anh Câm ở ấp Bàu Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang chúng tôi mới thấy được một mảnh đời nghiệt ngã và đau lòng hơn những gì nghe người khác kể lại.

Một gia đình có quá nhiều bất hạnh –  Chồng thì bị câm điếc từ nhỏ, vợ đầu tiên bỏ đi; Người vợ hiện tại thì bị tật 2 chân không thể đứng được – Vợ chồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể.
Chúng tôi đến nhà lúc chị đang giặt đồ. Đôi chân tật nguyền nên chị ngồi bệt dưới nền đất ướt át, chỉ lết hoặc trườn được một đoạn ngắn. Vừa giặt đồ chị vừa ngậm ngùi chia sẻ: “Khổ lắm cô ơi, ổng thì đi rải phân, xịt thuốc tối ngày, tui thì làm việc nhà không xuể mà chẳng khi nào đủ ăn, vợ chồng nói chuyện có lúc chẳng hiểu nhau…” Nỗi tủi hờn khiến chị không thể ngẩng mặt lên, cúi xuống lén lau nhanh những giọt nước mắt. Con trai nhìn thấy thì chạy lại một góc buồn một mình.
8. Cuối cùng chúng tôi đến căn hộ của anh Danh Diệp ở Ấp An Lợi, xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Anh chị có hai người con, đứa lớn 14 tuổi đang mang trong mình căn bệnh thần kinh ngoại biên, đôi chân đang dần nhỏ lại, không đứng được. Bé có khả năng chữa khỏi bệnh nhưng vì gia đình không có điều kiện. Anh chị chỉ trông chờ vào hai công ruộng và ít tiền làm thuê.
“Lâu nay chạy chữa nhiều nơi mà chưa có kết quả, tốn nhiều tiền quá nên giờ cũng nản, không còn sức để tiếp tục chạy chữa cho bé” vợ anh Diệp nói. Tiếp lời vợ, anh kể: “Thương con thật nhưng chẳng còn cách nào, hiện tại không lo được cho con tôi cũng thấy đau lòng lắm nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để sớm có tiền chữa bệnh cho con”
Đây là tám trong số rất nhiều hộ nghèo mà chúng tôi có dịp ghé thăm. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có lẽ, điều còn lại và thiêng liêng nhất chính là tình yêu thương, là trái tim bao dung và nghị lực. Họ không buông xuôi, không đầu hàng số phận mà tự cố gắng để tìm lại hạnh phúc bên người thân hay bên những đứa con,  và vững tin khi nhìn về tương lai phía trước. Chính những điều đó đã để lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, niềm vui và cả những nỗi buồn. Cái cảm giác xa xa mà gần gũi, cái cảm giác thương thương, yêu yêu vô cùng, nhìn những ánh mắt – nụ cười, sự hồn nhiên của những đứa trẻ hay giọt nước mắt của những gia đình ấy mà thấy nghẹn lòng.
Chuyến đi thiện nguyện của chúng tôi sẽ còn tiếp tục: “Mang yêu thương, đem chút niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho những mảnh đời còn bao khốn khó”.

Hậu Giang, ngày 30 tháng 09 năm 2014